• Breaking News

    Wednesday 24 June 2015

    Các chỉ tiêu tài chính trong Phân tích cơ bản

    Các chỉ tiêu tài chính trong Phân tích cơ bản

    1. Chỉ tiêu
    - Vốn điều lệ: là số vốn do tất cả các cổ đông đóng góp và được ghi vào điều lệ của doanh nghiệp.
    - Cổ phiếu đang lưu hành: là số lượng cổ phiếu của doanh nghiệp hiện đang lưu hành trên thị trường.
    - Cổ phiếu quỹ: là cổ phiếu đã phát hành và được mua, bán lại trên thị trường bởi chính tổ chức phát hành.


    2. Kết quả hoạt động kinh doanh
    - Tổng tài sản: là tổng giá trị của toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp tính đến thời điểm lập báo cáo
    - Vốn chủ sở hữu: là nguồn vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu thường bao gồm: vốn góp ban đầu, lợi nhuận để lại, phát hành cổ phiếu mới, các quỹ của doanh nghiệp.
    - Doanh thu thuần: là tổng số doanh thu bán hàng của doanh nghiệp sau khi trừ đi các khoản giảm trừ mà doanh nghiệp đạt được trong năm tài chính.
    - Lợi nhuận sau thuế: = (lợi nhuận trước thuế – thuế thu nhập doanh nghiệp) mà doanh nghiệp thu về trong năm tài chính.


    http://www.v2htrader.com/2014/08/cac-chi-tieu-tai-chinh-trong-phan-tich.html


    3. Hệ số khả năng thanh toán

    * Hệ số thanh toán ngắn hạn: Hệ số thanh toán ngắn hạn còn gọi là hệ số thanh toán hiện hành hay hệ số thanh khoản :
    - Hệ số này là thước đo khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp, nó cho biết tỷ lệ các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp được trả bằng các tài sản tương đương với thời hạn của các khoản nợ đó.
    - Hệ số này thường được so sánh với hệ số trung bình của ngành, tuy nhiên mỗi ngành sẽ có một hệ số trung bình khác nhau.

    Hệ số thanh toán ngắn hạn = Tổng tài sản lưu động / Tổng nợ ngắn hạn

    * Hệ số thanh toán nhanh:
    Hệ số thanh toán nhanh đo lường mức độ đáp ứng nhanh của vốn lưu động trước các khoản nợ ngắn hạn ( tiền và chứng khoán ngắn hạn.. )
    - Hệ số này nói lên việc doanh nghiệp có nhiều khả năng đáp ứng việc thanh toán nợ ngắn hạn vì doanh nghiệp dễ dàng chuyển từ tài sản lưu động khác về tiền mặt.
    - Hệ số này cũng thường được so sánh với hệ số trung bình của ngành, thông thường khả năng thanh toán của doanh nghiệp được đánh giá an toàn khi hệ số này > 0,5 lần vì doanh nghiệp có thể trang trải các khoản nợ ngắn hạn mà không cần đến các nguồn thu hay doanh số bán hàng.

    Hệ số thanh toán nhanh = (Tổng tài sản lưu động – Hàng tồn kho) / Tổng nợ ngắn hạn

    4. Hệ số khả năng sinh lời
    Lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp. Khi phân tích lợi nhuận doanh nghiệp thường dùng đến các hệ số khả năng sinh lời

    * Hệ số lãi gộp :
    - Hệ số này cho biết mức độ hiệu quả khi sử dụng các yếu tố đầu vào (nguyên vật liệu, nhân công) trong một quy trình sản xuất của doanh nghiệp.
    - Khi muốn xem các chi phí này có cao quá hay không là đem so sánh hệ số tổng số lợi nhuận của một doanh nghiệp với hệ số của các doanh nghiệp cùng ngành, nếu hệ số tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh cao hơn, thì doanh nghiệp cần có giải pháp tốt hơn trong việc kiểm soát các chi phí đầu vào.

    Hệ số tổng lợi nhuận = (Doanh số – Trị giá hàng đã bán theo giá mua) / Doanh số bán

    * Hệ số lãi ròng :
    - Hệ số lợi nhuận ròng phản ánh khoản thu nhập ròng (thu nhập sau thuế) của một doanh nghiệp so với doanh thu của nó. Hệ số này càng cao thì càng tốt vì nó phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
    - Trên thực tế mức lợi nhuận ròng giữa các ngành là khác nhau, còn trong bản thân 1 ngành thì doanh nghiệp nào quản lý và sử dụng yếu tố đầu vào tốt hơn thì sẽ có hệ số lợi nhuận cao hơn. Đây là một trong các biện pháp quan trọng đo lường khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp năm nay so với các năm khác.

    Hệ số lợi nhuận ròng = Lợi nhuận sau thuế / Doanh thu thuần

    * Suất sinh lời của tài sản (ROA)
    - ROA là hệ số tổng hợp nhất được dùng để đánh giá khả năng sinh lợi của một đồng vốn đầu tư. ROA cho biết cứ một đồng tài sản thì công ty tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận và ROA đánh giá hiệu suất sử dụng tài sản của doanh nghiệp. - Hệ số này càng cao thì cổ phiếu càng có sức hấp dẫn hơn vì hệ số này cho thấy khả năng sinh lợi từ chính nguồn tài sản hoạt động của doanh nghiệp.

    ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản

    * Suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE)
    - ROE cho biết một đồng vốn tự có tạo được bao nhiêu đồng lợi nhuận. ROE càng cao thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp càng mạnh và cổ phiếu càng hấp dẫn, vì hệ số này cho thấy khả năng sinh lời và tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, hơn nữa tăng mức doanh lợi vốn chủ sở hữu là một mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động quản lý tài chính của doanh nghiệp.

    ROE = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu

    5. Hệ số cơ cấu tài chính
    * Hệ số nợ
    - Hệ số này cho biết phần trăm tổng tài sản của doanh nghiệp được tài trợ bằng các khoản nợ là bao nhiêu.
    - Hệ số nợ thấp có thể cho thấy việc sử dụng nợ không hiệu quả, còn hệ số nợ cao thể hiện gánh nặng về nợ lớn, như vậy 1 hệ số nợ/ tổng tài sản là hợp lý sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu và khả năng tự tài trợ của doanh nghiệp.
    Hệ số nợ = Nợ phải trả / Tổng tài sản
    * Hệ số cơ cấu nguồn vốn
    - Hệ số này phản ánh tỷ trọng nguồn vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.
    - Để xác định mức độ phù hợp về tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào hoạt động và chính sách của từng doanh nghiệp cũng như của từng ngành.
    Hệ số cơ cấu nguồn vốn = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu

    6. Các chỉ số về cổ phiếu
    * Cổ tức là gì : là khoản thu nhập đầu tư hữu hình của các cổ đông sở hữu các cổ phiếu thông thường của doanh nghiệp được thanh toán định kỳ khi doanh nghiệp có lợi nhuận.

    * Thu nhập trên mỗi cổ phần - Earning Per Share ( EPS ) :
    - Đây là chỉ số cung cấp thông tin về thu nhập định kỳ của mỗi cổ phần sau khi lợi nhuận của doanh nghiệp trừ đi các khoản thuế lợi tức, cổ tức cho các cổ phần ưu đãi, EPS cho biết nhà đầu tư được hưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần họ đang nắm giữ hàng năm là bao nhiêu. Chỉ số này càng cao thì càng được đánh giá tốt vì khi đó khoản thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ cao hơn.

    EPS = (Lợi nhuận ròng – Cổ tức ưu đãi) / Số lượng cổ phiếu phổ thông

    * Giá trên thu nhập của cổ phiếu ( P/E )
    - Hệ số P/E đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường và thu nhập của mỗi cổ phiếu
    - Chỉ số P/E chỉ ra rằng : Nhà đầu tư đang mong muốn trả cho một đồng thu nhập thực sự của cổ phiếu là bao nhiêu ?
    - Nếu P/E cao điều đó có nghĩa là người đầu tư dự kiến tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp cao trong tương lai, thường thì cổ phiếu được đánh giá tốt khi tỷ lệ P/E nằm trong khoảng giá trị 10 lần.

    P/E = Giá thị trường / Thu nhập của mỗi cổ phiếu

    * Cổ tức trên thu nhập ( D/E )
    - Hệ số này đo lường tỷ lệ phần trăm lợi nhuận ròng trả cho cổ đông phổ thông dưới dạng cổ tức. Hệ số này càng cao thì cổ phiếu đó càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, bởi lẽ họ sẽ được trả mức cổ tức cao cho mỗi cổ phiếu nắm giữ.

    D/E = Cổ tức / Thu nhập của mỗi cổ phiếu
    * Cổ tức trên thị giá ( D/P )
    - Hệ số này phản ánh mức lợi tức mong đợi của nhà đầu tư khi mua một loại cổ phiếu tại thời điểm hiện tại. Nếu tỷ lệ này càng cao thì cổ phiếu đó càng được các nhà đầu tư ưa thích vì họ kỳ vọng vào lợi nhuận cao thu về khi đầu tư vào cổ phiếu.

    D/P = Cổ tức / Giá thị trường hiện thời

    * Giá trị sổ sách của cổ phiếu phổ thông :
    Đây là chỉ số thể hiện giá trị ròng của một công ty trên bảng tổng kết tài sản, chỉ tiêu này được dùng để xác định giá trị của một cổ phiếu theo số liệu trên sổ sách, một nhà đầu tư thường quan tâm đến chỉ tiêu này để so sánh với giá trị thị trường của cổ phiếu.

    Giá trị sổ sách = (Tổng tài sản – Tổng số nợ – Cổ phiếu ưu đãi) / Số cổ phiếu phổ thông


                                                                                                             www.v2htrader.com

    No comments:

    Tin chứng khoán

    Tìm hiểu Quỹ đầu tư