LDN 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015, gồm 10 Chương 213 Điều với nhiều quy định được coi là cải cách, mang tính đột phá về thể chế phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013 là “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
LDN 2014 vừa có tính kế thừa những quy định phù hợp với thực tiễn của LDN 2005, đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm tháo gỡ những hạn chế của Luật cũ, từ đó cởi trói, tạo quyền chủ động cho người dân, doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và tiệm cận với thông lệ quốc tế. Có thể nói, LDN 2014 đề cập bản chất, thay đổi về tư duy tiếp cận vấn đề kinh doanh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có một số đổi mới cơ bản, cụ thể như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Điều 29 quy định nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo đó, nội dung bao gồm 04 mục, bãi bỏ nội dung ngành nghề kinh doanh, danh sách cổ đông sáng lập... so với LDN 2005.
- Con dấu doanh nghiệp: Điều 44 – Con dấu của doanh nghiệp, quy định doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung của con dấu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ Công ty (Khác với LDN 2005 quy định hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ). Doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
- Quy định về phát hành, chào bán cổ phần: chương V của LDN 2014 quy định về công ty cổ phần. Theo đó, Khoản 2 Điều 122 quy định các hình thức chào bán cổ phần của Công ty cổ phần (CTCP) gồm: “Chào bán cho các cổ đông hiện hữu, chào bán ra công chúng, chào bán cổ phần riêng lẻ”. Khoản 3 Điều 122 – Chào bán cổ phần quy định: “Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.”. Như vậy, 03 hình thức chào bán cổ phần của công ty đại chúng (CTĐC) thực hiện theo pháp luật chứng khoán và chào bán cổ phần ra công chúng của CTCP (CTĐC và CTCP không đại chúng) thực hiện theo pháp luật chứng khoán.
Mặc dù chào bán cho cổ đông hiện hữu của CTCP không phải là CTCP đại chúng được quy định riêng tại Điều 124 – Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, đối với trường hợp CTCP chưa đại chúng nhưng có trên 100 cổ đông thực hiện việc chào bán cho cổ đông hiện hữu vẫn áp dụng theo pháp luật về chứng khoán do đây là trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng.
Như vậy, việc chào bán cổ phần của công ty đại chúng và chào bán chứng khoán ra công chúng sẽ do pháp luật chứng khoán điều chỉnh.
- Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần: Điều 134 – Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần, quy định CTCP có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai cách, bao gồm mô hình có ban kiểm soát và mô hình không có ban kiểm soát. Điều 134 cũng ngoại trừ trường hợp pháp luật chứng khoán có quy định khác.
Như vậy, mô hình quản trị công ty đối với CTĐC sẽ do pháp luật chứng khoán điều chỉnh.
- Người đại diện theo pháp luật và Người đại diện theo ủy quyền: Điều 13 – Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, quy định công ty TNHH và CTCP có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Điều 15 - Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức quy định người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên và cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh thành viên, chủ sở hữu và cổ đông đó thực hiện các quyền và nhiệm vụ theo quy định của Luật này. Như vậy Luật không đưa định nghĩa về người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là cá nhân. Việc cổ đông là cá nhân ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện các quyền tại Công ty được quy định tại Khoản 1 Điều 140.
- Quyền dự họp đại hội đồng cổ đông: Điều 140 quy định quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông(ĐHĐCĐ), theo đó đối với trường hợp cổ phần được chuyển nhượng trong thời gian từ ngày lập xong danh sách cổ đông đến ngày khai mạc họp ĐHĐCĐ thì người nhận chuyển nhượng có quyền dự họp ĐHĐCĐ thay thế cho người chuyển nhượng đối với số cổ phần đã chuyển nhượng, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
- Giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần: Khoản 5 Điều 111 quy định CTCP có thể điều chỉnh vốn điều lệ bằng 03 hình thức, theo đó CTCP có thể giảm vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ khi công ty hoàn trả một phần vốn cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 2 năm.
- Định nghĩa giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần: Điều 4 Khoản 11 định nghĩa giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá giao dịch trên thị trường cao nhất ngày hôm trước, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua, hoặc giá do một tổ chức định giá chuyên nghiệp xác định.
- Thẩm quyền ĐHĐCĐ và HĐQT: Điều 135 quy định ĐHĐCĐ quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% (LDN 2005 là 50%) tổng giá trị tài sản nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác. Điều 141 quy định thẩm quyền của HĐQT thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác.
- Điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ: Điều 141 quy định điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ lần đầuđược tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định (LDN 2005 là 65%), lần 2 là 33% (LDN 2005 là 51%) và không quy định tỷ lệ cho lần họp thứ 3.
- Điều kiện để thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ: Khoản 1 Điều 144 quy định một số nội dung như loại cổ phần, số lượng cổ phần chào bán, thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, tổ chức, giải thể công ty… phải đạt ít nhất 65% (LDN 2005 là 75%) tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Khoản 2 quy định các nội dung khác phải đạt ít nhất 51% (LDN 2005 là 65%). Đối với hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì tỷ lệ này là 51% (LDN 2005 là 65%).
- Mời họp ĐHĐCĐ và thông báo quyết định của ĐHĐCĐ: Điều 139 quy định thông báo mời họp (và Phiếu biểu quyết) phải được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của cổ đông (tương tự LDN 2005). Tuy nhiên tài liệu họp ĐHĐCĐ, Công ty có thể đăng tải lên trang Web của Công ty thay vì gửi bảo đảm như quy định tại LDN 2005.
Điều 144 quy định Quyết định của ĐHĐCĐ phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quyết định được thông qua; trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi quyết định có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty (LDN 2005 quy định Quyết định của ĐHĐCĐ phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày quyết định được thông qua, không quy định thay thế thông báo thông qua trang thông tin điện tử).
- Các hợp đồng, giao dịch: Điều 162 quy định các hợp đồng, giao dịch (giữa Công ty và cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần, thành viên HĐQT, Giám đốc/Tổng giám đốc và người liên quan) phải được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT chấp thuận. Theo đó, HĐQT phê duyệt hợp đồng, giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định của Điều lệ. ĐHĐCĐ phê duyệt hợp đồng, giao dịch còn lại.
(Nguồn UBCKNN)
|
No comments:
Post a Comment