Trong phân tích kỹ thuật, mức hỗ trợ cùng với mức kháng cự là những mức giá cơ bản xuất hiện trên hầu hết các đồ thị phân tích. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu kỹ về các giá cơ bản này.
Mức hỗ trợ (support)
Là mức giá mà tại đó số người mua tham gia vào thị trường đủ lớn để áp đảo số lượng người bán. Có thể hiểu, mức hỗ trợ là mức mà tại đó, khi thị trường đang giảm về đến đó sẽ có một "lực vô hình" đẩy thị trường tăng trở lại (khi chạm vào mức hỗ trợ, giá cổ phiếu có xu hướng bật lên trở lại).
Thông thường, nhà đầu tư luôn theo dõi diễn biến về giá trong giai đoạn trước. Khi giá xuống chạm một mức thấp mới, rồi lại hồi phục trở lại, những người mua thấy tiếc vì đã không mua được chứng khoán khi giá chạm đáy lần đầu tiên, họ sẽ có xu hướng mua vào nếu giá lại xuống đến điểm này một lần nữa. Không muốn bỏ lỡ cơ hội lần thứ hai, nhiều người mua sẽ gia nhập thị trường, tạo ra lực cầu đủ lớn để áp đảo số người bán. Kết quả là giá lại bị đẩy lên, càng củng cố thêm quan điểm cho rằng, giá không thể nào xuống dưới mức này được. Vô hình trung, tại điểm mốc này hình thành mức chặn dưới, đó chính là mức hỗ trợ.
Mức hỗ trợ đóng vai trò như giá sàn trong các đồ thị phân tích kỹ thuật, ngăn không cho giá thị trường tụt xuống dưới mức này. Việc xác định được mức giá hỗ trợ có thể đem lại cho nhà đầu tư một cơ hội tốt nhất để mua vào.
Mức kháng cự (resistance)
Là mức giá mà ở đó áp lực bán đủ mạnh làm cho giá không thể tiếp tục tăng được nữa. Người mua không sẵn lòng mua ở mức giá đó. Hiểu một cách đơn giản hơn, với mức giá này, hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đều tin rằng, giá sẽ hạ.
Mức kháng cự giống như là mức chặn của đường giá, mà tại vị trí đó, thị trường không thể vượt qua mức này. Nó là chướng ngại vật lớn của đường giá, một mức mà ở nơi đó người bán đông hơn là người mua. Mỗi khi giá lên một mức cao mới và sau đó hạ xuống, những người bán bỏ lỡ đỉnh giá lần trước sẽ có xu hướng bán cổ phiếu khi giá quay lại mức đó. Tin rằng đó là cơ hội tốt để bán chứng khoán trước khi giá theo chiều hướng ngược lại, họ có thể tham gia vào thị trường với số lượng đủ lớn, áp đảo số lượng người mua và do đó sẽ kéo giá xuống. Kết quả đó củng cố thêm quan điểm của thị trường rằng, mức giá trên là mức chặn, không cho giá thị trường vượt qua nó và thiết lập tại đó một mức kháng cự. Như vậy, ngược với mức hỗ trợ, mức kháng cự có vai trò như giá trần trong các đồ thị phân tích kỹ thuật. Việc xác định được mức kháng cự sẽ giúp nhà đầu tư xác định được thời điểm hợp lý nhất để bán chứng khoán.
Lưu ý : Trong phân tích kỹ thuật, mức hỗ trợ cùng với mức kháng cự là những mức giá cơ bản xuất hiện trên hầu hết các đồ thị phân tích.
Xét về quy mô cung - cầu của thị trường, mức hỗ trợ là mức giá mà tại đó lượng cầu của thị trường lớn hơn lượng cung và mức kháng cự là mức giá cho thấy lượng cung lớn hơn lượng cầu của thị trường.
Các mức hỗ trợ và kháng cự khi bị phá vỡ có xu hướng đảo ngược vai trò.
Mức hỗ trợ và kháng cự thường được xem xét kết hợp với giá trị và khối lượng giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định.
Cách xác định hỗ trợ và kháng cự dựa theo điểm Pivot.
Điểm Pivot là một mức giá được xem là quan trọng vì giá của ( cổ phiếu / thị trường ) không thể vượt qua nó hoặc vì một sự gia tăng bất ngờ về khối lượng giao dịch đi kèm một dao động mạnh qua mức giá đó. Với vai trò là một chỉ báo kỹ thuật, điểm Pivot tương tự như mức kháng cự hoặc mức hỗ trợ. Nếu giá bị vượt qua thì điểm phá vỡ (breakout) dự kiến xảy ra. Điểm Pivot được xem là mức hỗ trợ hoặc kháng cự chính mà tại đó xu hướng chính được sinh ra.
Cách tính điểm Pivot.
Điểm Pivot là trung bình của giá cao nhất (high), giá thấp nhất (low) và giá đóng cửa (close) của ( ngày / tuần / tháng ) trước. Nó được xác định theo công thức như sau :
Trong đó:
P: Điểm Pivot H: giá cao nhất của ( ngày / tuần / tháng ) hôm trước
L: giá thấp của ( ngày / tuần / tháng ) hôm trước
C: giá đóng cửa ( ngày / tuần / tháng ) hôm trước
Có nhiều phương pháp tính khách nhau để tính kháng cự ( R1,R2,R3 ) và hỗ trợ ( S1,S2,S3 ) dựa trên điểm Pivot. Sau đây là 4 phương pháp phổ biến nhất hay dùng.
- Phương pháp cổ điển.
R1 = (P x 2) - L
R2 = P + (H - L) = P + (R1 - S1)
R3 = H + 2 x (P - L)
S1 = (P x 2) - H
S2 = P - (H - L) = P - (R1 - S1)
S3 = L - 2 x (H - P)
Trong đó: S1, S2, S3: các mức hỗ trợ thứ nhất, thứ hai và thứ ba. R1, R2, R3: các mức kháng cự thứ nhất, thứ hai và thứ ba.
- Phương pháp của Woodie :
P = (H + L + 2 x C) / 4
R1 = (2 x P) - L
R2 = P + H - L
S1 = (2 x P) - H
S2 = P - H + L
- Phương pháp của Camarilla :
R4 = (H - L) x 1.1 / 2 + C
R3 = (H - L) x 1.1 / 4 + C
R2 = (H - L) x 1.1 / 6 + C
R1 = (H - L) x 1.1 / 12 + C
S1 = C - (H - L) x 1.1 / 12
S2 = C - (H - L) x 1.1 / 6
S3 = C - (H - L) x 1.1 / 4
S4 = C - (H - L) x 1.1 / 2
- Phương pháp Fibonacci :
R = Yesterday_High - Yesterday_Low (R là biên độ được tính bằng khoảng cách giữa mức giá cao nhất và mức giá thấp nhất của phiên hôm qua)
P = (Yesterday_High + Yesterday_Low + Yesterday_Close)/3
R3 = P + (R x 1.000)
R2 = P + (R x 0.618)
R1 = P + (R x 0.382)
S1 = P - (R x 0.382)
S2 = P - (R x 0.618)
S3 = P - (R x 1.000)
Xem tiếp :
Bài 4 : Đường xu hướng (trendline)
www.v2htrader.com
No comments:
Post a Comment